Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Về Bắc - Làng Phú thứ (24/10/2011)

Bố có một tâm nguyện từ rất lâu, có lẽ từ 1995, khi bố lần đầu tiên ra Hà nội, là một ngày nào đó sẽ đưa bà Nội và bà Ba về thăm lại quê nơi chôn nhau cắt rốn. 

Tự bố trong những chuyến đi công tác của công ty Shell đã tranh thủ để tìm về lại làng Phú thứ xa xưa, nơi mà hai bà luôn nhắc đi nhắc lại trong mọi câu chuyện kể từ khi bố còn bé xíu. Bố đã tìm được ngôi nhà cũ, chụp hình về cho hai bà xem từ hồi 1997 và vẫn đau đáu một kế hoạch cho chuyến về bắc của hai bà. 

Thế mà thoắt cái đã hơn 10 năm, công việc, thời gian, tiền bạc, ... đủ mọi lý do mà ước mơ ấy cứ dùng dằng mãi chưa thực hiện được.

Nay thì nhất quyết phải làm. Đã ổn định xong việc học cho Su. Không đi làm công nữa. Tiền đã có. Ơn chúa là hai bà vẫn còn khỏe để có thể đi được. Thế nên dù hai bà theo thói quen tằn tiện vừa ngại vừa tiếc tiền, bố quyết định đặt vé máy bay mà không chờ ý kiến của hai bà. 

Ngạc nhiên thay, cô Ba cũng muốn đi theo, điều mà bố không ngờ đến! Bố gọi cho bác Hùng rủ ầu ơ, sợ mai mốt bác ấy trách là đi mà không nói. Lại càng ngạc nhiên nữa, cả hai bác cũng đăng ký đi luôn, thế là đủ một đoàn sáu người lý tưởng. Bác Phùng cũng được mời nhưng không đi.

Thế là thiên thời, địa lợi, nhân hòa đủ cả, lịch trình lên sẵn, bố đặt luôn vé không hoàn lại cho tất cả mọi người để có giá rẻ và quyết tâm không thay đổi gì nữa.

Một vài cơn áp thấp nhiệt đới gây mưa bão làm bố hơi lo, nhưng vẫn tin tưởng ở thời điểm lý tưởng đã chọn bằng kinh nghiệm nhiều năm, chuyến đi sẽ bắt đầu từ thứ hai 24/10/2011 và kết thúc vào ngày 27/10/2011. Thế là vừa phải và phù hợp với sức khỏe của hai bà.

Một chuyến đi đời người, gần 60 năm trở lại nơi chốn cũ, nơi hai bà sinh ra, lớn lên suốt thời thơ ấu và chắc là chuyến đi một lần, không biết có dịp nào đi nữa không?

Thế nên bố cảm thấy sự háo hức, mong đợi của hai bà suốt những ngày trước chuyến đi dù không thể hiện ồn ào bên ngoài. Bà Nội đi may vài bộ áo mới. Bà Ba ngoan ngoãn uống đầy đủ thuốc bổ nhung hươu mỗi khi bố nhắc nhở,...

Rồi ngày ấy cũng đến! Mới 5:00 đã thấy bác Hùng gọi điện thoại từ sân bay. Vậy là hai bác đi từ Biên hòa từ lúc 4:00, nhà mình đến sân bay lúc 5:30 khá sớm để làm thủ tục vì chuyến bay khởi hành lúc 6:40.
Thủ tục đã xong. Ngồi chờ háo hức. Bác Hùng, bác Trúc và cô Ba lần đầu đi máy bay. Bà Ba thì đi lần thứ hai sau lần thứ nhất cách nay 57 năm! khi di cư từ bắc vào nam. Bà Nội thì đã đi ba lần rồi: Đà nẵng và Singapore.
Rồi cũng lên máy bay. Bà Ba đang nhìn ra ngoài xem máy bay chuẩn bị cất cánh. Bà Nội đang cố ngủ vì hôm qua chắc không ngủ được?

Đến sân bay Nội bài lúc hơn 9 giờ sáng. Bố thuê một xe Innova đón đoàn ở sân bay và trực chỉ Nam Định. Đến Nam Định đã gần 12 giờ trưa. Buổi trưa thành phố "quê" vắng vẻ, chạy lòng vòng cả 30' vẫn chưa kiếm được chỗ ăn trưa. Quyết định ghé vào quán cơm bình dân này vì không còn lựa chọn nào khác. Hóa ra mọi người được một bữa cơm quê hương rất ngon (phần vì đói) và rẻ.

Nghỉ ở Vi Hoàng Hotel, khách sạn lớn nhất Nam Định. Sau một giấc nghỉ trưa ngắn, mọi người lên đường đi về làng cũ Phú thứ. Chụp hình kỷ niệm ở cửa khách sạn trước khi đi.

Phú thứ ở chân núi Gôi, gần thị xã Gôi, huyện Vụ bản, cách Nam Định 15km về hướng Nam. Dù đã hơn 10 năm bố vẫn nhớ đúng đường từ QL 10 rẽ vào làng. Không nhiều thay đổi lắm, bố dẫn mọi người trước hết đến nhà thờ Phú thứ, trung tâm của làng. Hình mọi người đang từ cổng đi vào sân nhà thờ.

Xúc động trào dâng. Phút giây đầu tiên là tạ ơn Đức Mẹ đã ban ơn lành dẫn dắt hai bà trở về sau hơn nửa thế kỷ.

Tiếp đến xin vào nhà thờ để thăm Chúa.

Nhà thờ cổ thân quen sau bao năm xa cách là nơi hai bà được rửa tội. Bà Ba thì đã trải qua trọn thời thanh xuân của mình ở ngôi nhà thờ này.
Bàn thờ và cung thánh sơn son thếp vàng mà bà Ba luôn nhắc tới với sự tự hào.

Bà Nội cũng có nhiều kỷ niệm ở đây.





Chào Chúa đã xong, mọi người ra ngoài tham quan nhà thờ và chụp hình kỷ niệm. Đây là hông phải của nhà thờ.

Gần hơn.
Nhà xứ. Ngôi nhà lớn bên trái trước đây là nhà cha xứ - cha Ninh, cha Dụ, thời hai bà còn ở nhà. Hiện giờ xứ không có cha cai quản, cha ở làng Báng chỉ về làm lễ chiều thứ bảy. Ngôi nhà nhỏ bên trái là nhà người coi sóc nhà thờ.

Bà Ba đang hô vang khẩu hiệu và giơ tay sắp hàng. Bà đang nhớ lại sáu bảy chục năm về trước còn là thiếu nhi sinh hoạt cũng đứng xếp hàng ngay chỗ sân này.

Tần ngần bên cây nhãn cổ thụ ở bờ ao hông nhà thờ. Đã biết bao biến cố xảy ra sau ngần ấy năm?

Bên kia ao là hàng cây bao quanh nhà thờ, rồi đến ruộng làng (có rất nhiều đỉa, như bà Ba nhớ lại). Xa xa là một góc núi Gôi huyền thoại.

Hầu như cảnh vật không thay đổi. Hai bà vẫn nhớ lại được vị trí và gọi tên của hầu hết các khu nhà, cây cối, ao hồ,..
Vui ơi là vui. Có bao giờ nghĩ là sẽ có dịp trở lại thăm thú như thế này đâu?

Tranh thủ chụp một bức ảnh dọc hông nhà thờ


Rất tình cờ, gặp đúng người cần gặp ngay tại sân nhà thờ. Bà mặc áo trắng đội nón là là cháu ông Quản Tám, đang ở tại nhà cũ của ông bà ngoại. Thế là đỡ mất công hỏi đường.

Kỷ niệm toàn cảnh nhà thờ ở mặt trước.




Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ Phú thứ lần nữa trước khi ra về.

Rời nhà thờ, kế đến là tìm đường về thăm nhà cũ. Nhà cũng không xa lắm, cách nhà thờ chừng trăm rưởi mét. Mọi người đang rẽ vào ngõ nhà.

Gặp người quen cũ cùng ngõ, ông Hành. Bà Ba ghét ông này lắm - "vì nó theo CS!"

Cuối cùng đã về đến nhà xưa! Đây là ngôi nhà của ông bà ngoại ở Phú thứ đây, nơi sinh ra và lớn lên của cả gia đình: bác Phòng, bác Bảng, cô Nhị, bác Hiếu, bác Mục và bà Nội. Những phút giây đầu tiên ở nhà cũ. Bà Nội đang nhớ lại và chỉ những nhà chung quanh.

Ngõ vào nhà, nhìn từ sân nhà ra đường ngoài, bên trái là bể nước còn nguyên, xây từ khi bà Nội còn ở nhà; bên phải là dãy nhà phụ.

 Góc vườn bên trái của nhà chính. Điển hình khung cảnh bắc bộ: đụn rơm, gốc chuối và rất bé.

Ngoài khoảng sân gạch là khoảnh vườn nhỏ trồng rau. Cô Ba đang săm soi các luống rau xanh mơn mởn trong vườn.
Khoảnh vườn và bể nước cũ.
 Khoảnh vườn đứng từ thềm nhà nhìn thẳng ra.
 Bác Hùng và bà Ba cũng đang xem vườn.
Bác Hùng đứng trước sân ngôi nhà đáng ra là của mình - Vì bác Hùng là cháu đích tôn nên sẽ thừa tự ngôi nhà này nếu không có những biến động thời cuộc mà gia đình phải bỏ quê hương ra đi. Hàng năm con cháu sẽ phải tụ họp về đây vào những ngày giỗ chạp.

Vào trong thăm nhà.

 Uống trà
 Đàm đạo
Bà Thao nhà kế bên nghe tin chạy qua. Bà này trạc tuổi và thuở bé cùng chơi đùa với bà Nội. Bùi ngùi nhắc lại những kỷ niệm xưa, người sống, kẻ chết, bao nhiêu là cuộc bể dâu.

Ghi lại hình ảnh kỷ niệm trước khi giã từ nhà cũ


 Qua thăm nhà bà Thao hàng xóm, hai nhà cách nhau một hàng gạch thấp.

Cô đi cẩn thận kẻo té!

Sân nhà bà Thao, gồm một phần đất của nhà bà Khôi trước đây.

Bà Thao chỉ dẫn những khu nhà hàng xóm chung quanh, những thay đổi bể dâu, cái còn, cái mất.



Cùng ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu.


Tiếp tục đi thăm quanh làng, đường ven làng từ nhà cũ ra nhà thờ đi theo ngã sau. Đang thời điểm gặt lúa mùa, đường làng vàng rực rơm rạ.

Để em tiễn chị một quãng đường. Đường từ nhà ra dọc theo một con ngòi dài, bên kia là ruộng lúa kéo dài đến xã Tam Thanh.
Rồi cũng đến ngã rẽ, chia tay thôi.

Bịn rịn và quyến luyến. Sáu mươi năm cuộc đời như gió thoảng qua có là gì đâu?

Chắc chẳng bao giờ gặp nhau nữa nhỉ? Ra đi tóc xanh giờ đầu đã bạc.

Thôi về thôi.


Dạo bước quanh làng qua những ngõ nhỏ, nơi ngày xưa các tiền bối đã sống đã đi lại hàng ngày. Đường này dẫn trực tiếp đến cổng nhà thờ.

Thăm người sống xong thì đến thăm người chết. Nơi kế tiếp là nghĩa địa giáo xứ. Ít gì thì có ông ngoại nằm ở đây từ gần bảy chục năm trước. Còn những người trăm năm trước thì sao nhỉ?

 Đường dẫn vào nghĩa trang. Hoa vàng rụng ngập bước chân.


Mộ cũ mới lẫn lộn, đa phần là cũ. Núi Gôi xa xa nhìn từ nghĩa trang.

Bà Ba: "Mộ bố tôi ở phía bên này này"

 "Bố tôi nằm ở đâu? Sao mà tìm được đây?"

 "Bố ơi, bố ở đâu? Con về thăm bố đây!"

Tần ngần và buồn bã. Bố ơi, con lạc mất bố rồi.

Giờ chỉ còn biết cầu nguyện cho bố và tổ tiên thôi.



Kết thúc cuộc trở về làng Phú thứ lịch sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét