Một tạp văn / nhật ký (?) được viết khi có quá nhiều thời gian rảnh rỗi trong kỳ nghỉ Xuân March 28, 2016 của Su. Bố chuyển ngữ.
Viết chữ Hoa vốn không phải là sở thích của tôi. Thực tế là, lúc đầu, nói hơi quá một chút, tôi còn ghét cay ghét đắng nó.
Một nét ...
Mất đến năm giờ chỉ để viết ba mươi chữ, lập đi lập lại mỗi chữ hơn hai mươi lần, hình như là một cách học phản sư phạm, vì nó làm bạn mụ mẫm đi chỉ sau khoảng 30 phút. Dù rằng đó là cách rất hiệu quả để ghi nhớ các chữ, cách duy nhất.
Hai nét ….
Cùng học ngoại ngữ, bạn sẽ ghen tị với những bạn học khác vì họ không phải khổ ải tập viết từng chữ một. Ngoại ngữ họ học dùng ký tự La tinh quen thuộc khiến trình độ của họ có vẻ tiến triển nhanh chóng.
Ba nét .…
Chẳng hạn như, bạn tôi học tiếng Tây Ban Nha cùng cấp độ, đang viết 5 trang tiểu luận phân tích văn bản; hay là một câu chuyện viễn tưởng ngắn về một người đàn ông giả làm chó, lúc đầu cho vui nhưng rồi bị mắc kẹt trong vai trò này một cách tự nguyện; và làm thế nào mà bi kịch này phản ánh những mong đợi về mặt xã hội và xây dựng quy định cho từng con người.
Trong khi đó, tiểu luận của tôi chỉ là những gì kiểu như: "Viết 300 từ về những luyện tập cần thiết để giữ cho cơ thể khỏe mạnh," kém hơn nhiều về độ dài, độ sâu và sự sáng tạo.
Đó là hậu quả trực tiếp của việc học ít hơn nhiều về từ vựng và ngữ pháp, vì chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để tập viết các ký tự trong khi người học các ngôn ngữ khác thậm chí không cần quan tâm.
Bốn nét ….
Bản thân là một người khá ganh đua, thực tế đó thường làm tôi có cảm giác thua kém bạn bè cùng khoá về việc học ngoại ngữ. Tôi nghi hoặc bản thân đã không nỗ lực đủ hay là đã chọn nhầm thứ ngôn ngữ để theo đuổi. Cả hai lý do đều không thuyết phục lắm.
Năm nét ….
Nhưng như một loài bướm đêm bị hấp dẫn bởi những đốm lửa, tôi mãi bị lôi cuốn và mê say trong việc tập luyện viết chữ Hoa. Dần dần tôi nhận ra rằng ngoài lợi ích hiển nhiên giúp tôi học tiếng Hoa, đó là một cách tập thiền tuyệt diệu.
Vâng, đã có những nghiên cứu cho rằng thực hành thư pháp là một phương cách tốt để giảm căng thẳng và cải thiện cả sức khỏe tinh thần và thể chất.
Tuy nhiên, ở đây, tôi muốn tiếp cận theo góc nhìn cá nhân nội tại.
Với tôi, viết những ký tự tiếng Hoa là một nghệ thuật. Theo nghĩa đen, bạn đang vẽ các chữ từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, bằng các hoạ tiết "mũ", "đuôi", “cong", chấm, móc, uốn, nghiêng. Nó giống như một bức hoạ nhỏ duyên dáng, và với một người có khả năng vẽ kém cỏi như tôi, thư pháp Trung quốc đã cho tôi một cách tiếp cận dạng hình nghệ thuật mà tôi đã mất từ bé.
Hình dung con người mọt sách của tôi như một cây hoa héo thì mọi loại hình nghệ thuật sẽ là nguồn dinh dưỡng cho nó. Bất cứ khi nào có thời gian rảnh, tôi đều chủ động tìm cách thực hiện và thưởng thức nghệ thuật, cho dù đó là xem một bộ phim, đọc một cuốn sách, chơi đàn hạc hay piano. Tôi tin rằng cơ thể và tâm trí của tôi cần nó để tránh trở thành một con người lệch lạc.
Tất cả là sự cân bằng.
Với tôi, thư pháp tiếng Hoa phức tạp và nghịch lý. Viết các ký tự chỉ nhằm truyền đạt thông tin là việc tương đối dễ thực hiện, trong khi thư pháp là một nghệ thuật đòi hỏi sự chú ý đến chi tiết hơn nhiều.
Hãy xem một trong những chữ Hoa phức tạp nhất, chữ “nàng”, có nghĩa là “nghẹt mũi" hay "nói với giọng mũi."
Đối với kẻ ngoại đạo, chữ này trông thật đáng sợ. Phải bắt đầu ở đâu và viết như thế nào đây?
Vâng, người học tiếng Hoa sẽ cho bạn biết rằng có một quy tắc để viết các nét như thế nào. Bạn phải viết từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Lý do cơ bản của nó là khi viết như vậy quá trình viết sẽ duyên dáng, dùng ít động tác nhất để viết được nhiều nét nhất. Vâng, dù sao đó cũng là nguyên tắc chung.
Có rất nhiều trường hợp ngoại lệ mà không có ý nghĩa gì cả, và bạn vẫn phải xử lý kích cỡ tương đối của các nét, phải biết làm thế nào kết nối các nét với nhau và về kích thước tương đối của từ này so với những từ khác.
Nếu bạn bỏ qua những tiểu tiết này nghĩa là sẽ có nguy cơ chữ viết của bạn không đọc được hoặc là được viết thành một chữ hoàn toàn khác vì có rất nhiều chữ Hoa giống nhau một cách kinh dị. Nhưng nếu bạn đã từng tập viết nhiều, bạn sẽ biết phân chữ “nàng” thành nhiều chữ nhỏ hơn.
Luôn luôn có sự thanh thản giữa sự hỗn loạn. Đó là cái nhìn của tôi với quá trình viết chữ Hoa.
Sự đe doạ và khó khăn vẫn còn đó, như một con hẻm tối om mà bạn phải đi bộ qua để về nhà, nhưng bạn có tia sáng này, nhỏ nhưng vĩnh cửu dẫn đường giúp bạn cảm thấy an toàn, và bạn chỉ cần phải bước tới.
Đó cũng là cách nhìn của tôi về cuộc đời.
Tất cả là sự cân bằng.
Với tôi, viết chữ Hoa là một cách để tôi suy ngẫm, kết nối và dung hòa với bản sắc Việt của tôi. Tôi nghĩ rằng người Pháp đã phát triển bảng chữ cái và ngữ âm tiếng Việt thì chịu ảnh hưởng lớn của tiếng Hoa, nhưng từ đó nó đã tiến hoá thành một ngôn ngữ riêng biệt với tàn dư của cả hai.
Giữa tiếng Hoa và tiếng Việt, không chỉ có một số từ đồng nghĩa phát âm cực kỳ giống nhau, mà còn có những mẩu kết hợp hoàn toàn tương tự. Lấy một ví dụ rất đơn giản. Chữ “地" của tiếng Hoa và chữ “địa" của tiếng Việt có phát âm giống nhau, đều có nghĩa là "mặt đất" hay "đất."
Cũng tương tự, chữ "球" và chữ "cầu" có nghĩa là quả bóng. Khi kết hợp hai từ trong ngôn ngữ của mình, "地球" và "địa cầu", cả hai đều có nghĩa là "trái đất" !!! Tôi đã run lên vì phấn khích khi lần đầu phát hiện.
Sự tương đồng nào đó giữa tiếng Hoa và tiếng Việt phần nào giúp tôi học tiếng Hoa và yêu thích nó. Mặt khác, sự tương phản giữa hai nền văn hóa và ngôn ngữ rất giống nhau mà khác biệt bộc lộ kho tàng của sự tinh tế, hấp dẫn của đất nước tôi mà tôi đã không phát hiện ra, vì thiếu hiểu biết hoặc chỉ đơn giản là bởi vì tôi đã quá đắm chìm trong nó để không có được một cái nhìn tổng thể.
Mọi thứ càng thú vị hơn khi bạn đưa văn hóa Mỹ và tiếng Anh vào cuộc chơi. Khi tôi viết chữ Hoa, dường như là tôi đang vẽ sơ đồ Venn, khảo sát nơi chúng giao nhau. Tôi cảm thấy mình cùng lúc như một nhà ngôn ngữ học, sử học, nhà nhân chủng học và xã hội học, và trải nghiệm đó thật không có gì bằng.
Là một sinh viên quốc tế, buộc phải dùng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ cả ngày là một chịu đựng tâm lý. Vì vậy, có thể “trở về cội nguồn” đã làm tôi trẻ hoá.
Tất cả là sự cân bằng.
Với tôi, quan trọng nhất, thư pháp là phương cách vừa để thúc đẩy vừa để khiển trách sự toàn mỹ bên trong tôi, cản trở nó kiểm soát cuộc sống của tôi. Khi tôi viết chữ Hoa, tôi tự động viên để cố viết nhiều hơn bằng suy nghĩ "chữ tiếp theo đây sẽ là chữ đẹp nhất mà tôi từng viết.”
Tôi biết là ngớ ngẩn nhưng nó giúp tôi giữ được sự phấn khích dù là đang nửa đêm và còn năm tiếng viết bài mà tôi phải nộp vào ngày hôm sau.
"Nếu tôi viết nét này cong hơn, nếu tôi viết nét vuông này gọn hơn, nếu tôi viết chấm này tròn hơn, tôi sẽ có một chữ hoàn hảo” tôi tự nhẩm trong đầu như thế.
Tập viết chữ Hoa giúp tôi tự phê bình và phân tích tốt hơn. Tôi nhìn vào chữ vừa viết, tìm sự khiếm khuyết để sửa và cải thiện ở chữ tiếp theo.
Xuyên qua quá trình đó tôi ngày càng hiểu hơn về bản thân, giúp tôi trưởng thành rất nhiều ở các mặt khác trong cuộc sống.
Nhưng rồi vẫn … các chữ tôi viết có thể tiếp cận, nhưng không thể hoàn hảo như chữ in ra từ máy tính.
Như thế, tôi cũng đã học cách chấp nhận sự không hoàn hảo đó, giả vờ lãnh đạm với những gào thét nổi loạn của chủ nghĩa hoàn hảo bên trong.
Điều này với tôi thực sự quan trọng, vì tôi thường xuyên cảm thấy quá ngột ngạt và bị tê liệt bởi sự tự phán xét nội tâm. Nó làm tôi trở thành một kẻ nói chung buồn mãn tính, hay trì hoãn, tạo cớ, sống vật vờ.
Viết chữ Hoa giúp tôi đánh bại chủ nghĩa hoàn hảo, không để nó kiểm soát cuộc sống của tôi, mà buộc nó phải chống chọi lại với một sự thỏa hiệp hỗ tương giữa tôi và nó. Sự hoàn hảo có thể tập trung vào chất lượng như nó muốn đến mức nào cũng được, miễn là tôi phải làm xong việc.
Tất cả là, bạn có thể đoán,
sự cân bằng.
Tập viết tiếng Hoa không chỉ giúp tôi học một ngôn ngữ thú vị và có ích. Nó thực sự giúp tôi - và tôi có thể tự tin nói rằng tôi không quá lãng mạn hoá nó - khai sáng một nhân sinh quan về cách tiếp cận cuộc sống và phát triển cá nhân. Tôi thực sự nhận được nhiều hơn những gì phải trả.
Không tệ, không tệ chút nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét