Những ngày chờ đợi để bay đi Boston, điểm kế tiếp của cuộc hành trình, thật là nhiều thử thách. Toàn bộ New England báo động để chuẩn bị đón cơn bão Irene được cho là sẽ tàn phá dữ dội hiếm có khoảng nhiều chục năm trở lại.
Cô Loan nhắn tin liên tục thông báo các tin tức về cơn bão: các sân bay đóng cửa, các hãng máy bay ngừng chuyến,...Rất may là cơn bão đã xảy ra sớm hơn thời gian đã lên lịch, chỉ trước vài ngày. Mức độ tàn phá cũng nhẹ hơn dự báo. Cuối cùng khi ngày khởi hành đến, mọi sự trở lại bình thường: sân bay mở cửa trở lại, chuyến bay không thay đổi. Tạ ơn chúa lòng lành.
Nhưng vẫn phải nói thêm về cơn bão. Hậu quả bão làm Connecticut bị cắt điện kéo dài. Những ngày ở Boston, trường liên tục thông báo về khả năng hoãn ngày khai giảng nếu điện không kịp khôi phục.
Bác Liêm chở hai bố con ra LAX lúc bảy giờ tối. Gửi gấm Su cho bác Liêm khi sắp tới Su về nhà bà Mục vào các dịp nghỉ lễ.
Su mang theo hai vally lớn, một vally nhỏ, một thùng carton. Bố chỉ có một vally nhỏ. Tiền thuê xe đẩy đã lên 3.5$ cho bay nội địa. Nhớ vài năm trước đây chỉ là 1$ hay 2$? Thủ tục check-in rất nhanh chóng. Hai vally và một thùng check-in phải trả thêm tổng cộng 80$. Mọi chuyện xuôi chèo mát mái dù việc kiểm soát an ninh khá gắt gao vì lúc này gần ngày kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9.
Đến sân bay Logan của Boston lúc 10:00AM sau khi đã transit khoảng ba tiếng ở Newark. Hai bố con lấy cơm nếp Su nấu ở nhà bà Mục ra ăn với ruốc. Bố mua thêm một cốc cafe. Ngồi chờ thấy con bọ robot hay hay, bố mua cho Nu làm quà.
Lạ nước lạ cái và bất đồng ngôn ngữ, bố và Su đứng chờ gần hai tiếng thêm mất oan 20$ tiền taxi, cuối cùng cũng đến được khách sạn Embassy Suite Hotel. Một kinh nghiệm đáng giá. Cũng nhờ ở khách sạn này bố biết thêm về việc travel và thuê xe ở Mỹ.
Rút ra kết luận - cuộc sống phải cần trải nghiệm. Có thể phải trả giá, nhưng nếu không dám trải nghiệm thì mãi mãi mình chẳng lớn được. Vấn đề là phải chuẩn bị kỹ càng, xử lý khôn ngoan, linh động và tháo vát để chỉ phải trả giá ít nhất.
Sau khi ổn định ở khách sạn, bố và Su đi thăm Boston, cái nôi khai sinh nước Mỹ, thành phố của các trường học,... bằng phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất ở đây - hệ thống xe điện.
Từ khách sạn, đi bộ qua công viên Airport, đến trạm Airport Station, lên xe điện hết 1.5$ một vé, hai bố con chui lên mặt đất ngay ga City Hall.
Từ City Hall đi tới chừng 100m, ở phía dưới, bên kia đường Congress là Faneuil Hall lừng danh, điểm đầu của History Freedom Trail.
Rất tiếc tòa nhà này đang được sửa chữa thành ra không vào tham quan được. Sân phía trước lúc nào cũng có những nhóm làm trò mua vui cho đông đảo khách du lịch.
Đường phố chật hẹp điển hình của Boston, khác xa với Los Angeles hay Houston. Chiếc xe hình con tàu là xe chở khách du lịch tham quan thành phố của Duck Tour, lấy mô hình của những con tàu hải quân Mỹ sử dụng trong WW II.Cụm tượng kỷ niệm cơn đói ở Ireland thế kỷ 18 là nguyên nhân những tổ tiên người Mỹ gốc Ireland bỏ xứ di cư đến Mỹ cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Su giữa đường phố Boston, hình như là đường Federal trước một cửa hàng hoa. Hoa đẹp quá nên bố phải chụp. Khung cảnh, thời tiết, con người cảnh vật thật là tuyệt.
Một địa điểm lịch sử nữa trong chuỗi các điểm di tích của History Freedom Trail. Nơi các nhà cách mạng Mỹ hội họp để chống lại thực dân Anh, khởi xướng Tea Party.
Boston còn là thành phố học. Sinh viên từ khắp nước Mỹ và thế giới đến học còn nhiều hơn người dân tại chỗ. Rất nhiều cơ sở giáo dục, đi đâu cũng thấy trường, thấy đại học. Su đứng trước Sulfork University, một trường đại học nằm ngay trung tâm và lớn thứ ba của Boston.
Đối diện Sufolk University là nghĩa trang cũ của thành phố nơi chôn cất Franklin Benjamin và Paul Revere, những người tiêu biểu tham gia cuộc cách mạng khai sinh nước Mỹ. Xuôi về bên trái ở dưới là Central Park.
Su đang đứng trước cửa nghĩa trang.
Tòa thị chính cũ của thành phố Boston cho đến năm 1969. Bố muốn có một kỷ niệm ở đây nên bảo Su chụp cho một bức.
Rồi thêm một bức nữa cho chắc ăn.Bố đặc biệt thích tượng con lừa ở một góc sân biểu tượng cho đảng Dân chủ Mỹ. Thế là phải chụp một bức làm kỷ niệm thôi.
Đi một vòng quay trở về nơi xuất phát: công viên trước Faneuil Hall.
Đã hơn bốn giờ chiều, hai bố con đi tìm quán Green Dragon Tavern nổi tiếng mà bố được giới thiệu ở trên mạng để thưởng thức món đặc sản tôm hùm Maine lừng lẫy của thành phố biển Boston.
Lò dò theo bản đồ một hồi cũng tìm ra. Hai bố con yên vị thoải mái sau nhiều giờ đi bộ giữa quán cổ có lịch sử thành lập từ thế kỷ 17! Vì còn quá sớm cho bữa dinner nên quán khá vắng. Thời điểm này rất là tốt vì người phục vụ có thì giờ hỏi han và phục vụ khách chu đáo.
Sau khoảng 15' chờ đợi, món tôm hùm xứ Maine rồi cũng được đem ra. Bố tự thưởng cho mình một chai bia địa phương.Nhưng,... giữa lúc chuẩn bị thưởng thức thì phải nghe điện thoại từ Pomfret cập nhật về tình hình điện đóm. Vẫn chưa có điện và phải chờ cập nhật tin tức đến hết ngày 3/9.
Chậc, thôi thì cứ thưởng thức hết đã, để hai con tôm hùm chờ lâu quá! Tôm khá ngon tính ra cũng rẻ so với các món chi tiêu khác. Hóa đơn tổng cộng cho bữa tối chỉ hơn 23$.
Hẹn sẽ có ngày nào trở lại.
Hai cha con tự chụp hình kỷ niệm trước cửa quán.Kỷ niệm một buổi chiều cuối hè ở Boston.
Tiếp tục tour tham quan, là đến mua sắm ở Quincy Market. Có ba dãy nhà lồng chợ. Su đứng chụp hình trước nhà chợ chính. Hai bên trái, phải là hai nhà lồng Đông và Tây. Trời tối dần và gió thổi rất lạnh. Hai bố con đem áo gió ra mặc.
Qua khu chợ, đi tiếp về phía vịnh Boston là quảng trường Aquarium với những vòi nước phun khói chạy vòng liên tục khá thú vị.
Su hứng khởi giơ hai tay chiến thắng.Thả bộ dần ra đến vịnh Boston, nơi ngày xưa những chuyến tàu từ Cựu lục địa cập bến mang theo những dòng người di dân và chuyên chở hàng hóa từ châu Âu. Hiện giờ đây là cảng du lịch với các tour thám hiểm đảo ngoài khơi Đại tây dương, tour đi xem cá voi, ngược lên tận bờ biển Canada.
Buổi chiều tà luôn đem lại cảm giác bâng khuâng thoáng buồn của người xa xứ. Đây là khởi đầu của một cuộc sống viễn xứ hay chỉ là một chốc lát trong cuộc viễn du dài sắp tới của Su?
Bố vẫn mong quê hương rồi sẽ tốt đẹp để Su có một cuộc sống trọn vẹn ở quê nhà.Tour tự biên tự diễn của hai bố con rồi cũng chấm dứt. Bố và Su xuống ga Aquarium để về ga Airport gần khách sạn.
Cuộc sống hiện đại của một nước công nghiệp ở các thành phố lớn luôn kết thúc mỗi ngày với những khuôn mặt mệt mỏi sau một ngày làm việc trở về nhà bằng phương tiện công cộng. Tuyến xe điện ngầm Boston này đã gần trăm năm, là tuyến xe điện đầu tiên ở lục địa Bắc Mỹ.
Boston, một thành phố sẽ mãi mãi ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của bố qua một vài ngày ngắn ngủi. Biết đâu nó sẽ gắn chặt với một phần đời của Su sau này khi mà Su được bước chân vào một trong những Ivy Universities huyền thoại ở đây sau ba năm nữa!
Cứ ước mơ và cố gắng, điều gì cũng có thể Su nhỉ.
Update @4.5.2021 - Su đã quay trở lại Boston không phải sau ba năm mà là bảy năm! Và đã ở lại Boston gần ba năm, học tập và làm việc ở MIT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét